Báo cáo mới nhất của giới chức Philippines cho biết, chỉ riêng ở tỉnh Leyte miền Trung nước này đã có ít nhất 10.000 người bị siêu bão Haiyan cướp đi sinh mạng.

Hoang tàn – Đổ nát – Chết chóc – Đói khát – Tang thương


Cảnh tượng đổ nát y như vừa có một trận sóng thần tràn qua - tàu thuyền lẫn trong đống nhà cửa đổ nát.

Giám đốc cảnh sát tỉnh Leyte Elmer Soria cho hay, khoảng 70 – 80% tòa nhà trong khu vực ảnh hưởng của bão Haiyan ở tỉnh này đã bị phá hủy. Ước tính, con số người chết ở Tacloban – thủ phủ của tỉnh Leyte đã có thể lên tới 10.000, theo ông Tecson Lim – người đứng đầu chính quyền Tacloban.

“Các thi thể người chất đống xung quanh những con đường và trong nhà thờ”, ông Lim nói.

Trên đảo Samar, người đại diện văn phòng thảm họa tỉnh cho AP biết, 300 người được xác nhận là đã chết ở thị trấn Basey và 2.000 người khác đang bị mất tích. Cơ sở hạ tầng phát điện bị phá hủy. Tín hiệu điện thoại di động cũng mất. Nơi này chỉ còn có thể liên lạc với bên ngoài bằng sóng vô tuyến. Thực phẩm, nước uống khan hiếm, thiếu thốn đến cùng cực.


Người ta phải bịt mũi bởi mùi tử khí bốc lên nồng nặc ở khắp nơi trên đường phố

Nhiều xác chết bị mắc trên cành cây, lẫn trong các tòa nhà đổ nát và nằm ngổn ngang trên vỉa hè, AP đưa tin.

“Trên đường đến sân bay, chúng tôi đã nhìn thấy nhiều thi thể xếp hàng dài trên đường phố. Họ được bao phủ bằng bất cứ thứ gì có thể che chắn được: bạt, tấm lợp, giấy các tông”, bà Mila Ward, 53 tuổi, cho biết.

Trên đường ra sân bay Tacloban để đón chuyến bay quân sự trở lại Manila, bà Ward đã chứng kiến cảnh tượng thảm thương này ở hơn 100 nơi.

Siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền Trung Philippines rạng sáng ngày 8/11 với sức gió lên đến 315km/h đã thổi bay các mái nhà, san phẳng các làng mạc, biến đường phố thành sông với ngập tràn mảnh vỡ các loại và rác rưởi, y như đã có một cơn sóng thần tràn qua đây.


Con người chơi vơi kiếm tìm nguồn sống trong mênh mông biển nước

Ông Sandy Torotoro, 44 tuổi, một lái xe taxi, sống gần sân bay Tacloban cho biết, khi cơn bão ập đến, ông và gia đình đã trú ngụ trong chiếc xe Jeep nhưng chiếc xe đã bức tường nước “cao như một cây dừa” đổ ập xuống và cuốn đi.

“Tôi thoát ra khỏi chiếc xe và bị cuốn đi trong dòng nước điên cuồng cùng với nhà cửa chúng tôi, cây cối và đủ mọi thứ. Khi chúng tôi đang vật lộn trong dòng nước, có nhiều người đang trôi nổi và giơ tay lên cầu cứu. Nhưng chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi cũng cần sự giúp đỡ”, người đàn ông vẫn chưa hết hoảng loạn chia sẻ.


Người chết được được bao phủ bằng bất cứ thứ gì có thể che chắn được: bạt, tấm lợp, giấy các tông

Theo các chuyên gia, ở nhiều tỉnh bị mất điện và tín hiệu viễn thông và sân bay bị hư hỏng nặng như ở Tacloban, mức độ thiệt hại do bão gây ra vẫn chưa thể thống kê được và việc cung cấp các viện trợ cần thiết cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù đã sơ tán hơn 800.000 người dân trước bão nhưng dường như con người vẫn bất lực trước sức mạnh khủng khiếp của thiên tai. Số liệu của chính phủ Philippines cho biết hơn 4,4 triệu người đã bị ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão có sức hủy diệt như một “con quái vật” này.

Phóng viên Jamela Alindogan của kênh truyền hình Al-Jazeera đã bị mắc kẹt trong khách sạn khi cơn bão quét qua và thổi bay mái nhà. Cô cho biết, ngay cả trong khách sạn cũng không có thực phẩm, không có nước, “tình hình thực sự là rất tuyệt vọng”.


Thành phố ngập trong bóng tối.

Trong khi, ngoài phố là một cảnh tượng hỗn loạn tang thương. Tiếng khóc, tiếng gào thét bất lực của những người đi tìm thân nhân bị mất. Những nạn nhân của siêu bão xiêu vẹo lang thang trên đường phố trong tình trạng bị thương nặng mà không có thuốc men, thực phẩm hay nước. Các bác sỹ tại các bệnh viện địa phương phải lần mò trong bóng tối để chữa trị và an ủi các bệnh nhân. Không điện. Không nến.

Người ta cố tìm kiếm những gì còn có thể dùng được sót lại trong đống gạch vụn đổ nát.


Một số nguồn tin khác cho hay, nhiều nạn nhân đang cố gắng lê ra khỏi đống đổ nát để tìm sự giúp đỡ. Ở một số nơi, đám đông đói khát điên cuồng tìm bới trong đống rác cái gì đó có thể ăn hay ào vào các cửa hàng, trung tâm để cướp bóc đồ ăn, thuốc men.

“Hầu như tất cả các ngôi nhà đã bị phá hủy. Chỉ có một số rất ít là còn đứng vững”, ông Rey Balido của cơ quan thảm họa quốc gia Philippines cho biết.


Không nhà, không cửa, không điện, không nước. Họ đã mất hết tài sản phải chắt chiu tiết kiệm cả một thời gian dài.

Tổng thống Philipines Benigno Aquino III sáng nay đã bay tới Leyte bằng trực thăng để trực tiếp nắm tình hình thiệt hại.
Ông Aquino cho biết, ưu tiên của chính phủ là khôi phục lại hệ thống điện và thông tin liên lạc trong các khu vực bị cô lập để tạo điều kiện cho phân phát hàng hóa cứu trợ và trợ giúp y tế cho các nạn nhân.

15.000 binh lính Philippines đang được triển khai tại khu vực thảm họa để thực hiện các hoạt động cứu trợ. Tuy nhiên, hàng cứu trợ và số lượng trực thăng tham gia cứu hộ tại những vùng thảm họa dường như vẫn chưa đủ với những gì mà các nạn nhân của cơn bão lịch sử đang cần.


Những người may mắn sống sót cần được cứu trợ lương thực, nước uống, thuốc men khẩn cấp

Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết, ông Aquino đã “không nói nên lời” khi nói với ông về sự tàn phá của cơn bão ở Tacloban.

“Tôi nói với ông là tất cả các hệ thống đều không hoạt động… Không có điện, không có nước, không có gì hết. Dân đang tuyệt vọng. Họ đang cướp bóc”, Bộ trưởng Gazmin trích dẫn lại lời Tổng thống Aquino.


Một số nơi đã xảy ra cướp bóc để giành giật đồ ăn, thức uống, thuốc men

Bộ trưởng Nội vụ Philippines Mar Roxas cho biết, chính phủ đang cố gắng để đối phó với tình hình, bảo đảm an ninh trật tự. “Chúng tôi đang cố gắng mở lại các cửa hàng nhiều nhất có thể, để giúp người dân có thể mua được thực phẩm”, ông Roxas nói. “Cũng có nhiều kẻ lợi dụng tình trạng hỗn loạn hiện nay để cướp bóc nên chúng tôi phải triển khai quân đội và lực lượng cảnh sát để đảm bảo an ninh cũng như đảm bảo cung cấp nguồn nước và điện cho người dân”.


Một người chủ cửa hàng phải cầm súng để ngăn đám đông đang định nhào vào cướp đồ

Thế giới chung tay trợ giúp Philippines

Trước những mất mát và thiệt hại lớn lao mà người dân Philippines phải gánh chịu do bão Haiyan gây ra, nhiều nước và tổ chức trên thế giới đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ Philippines vượt qua cơn hoạn nạn này.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban ki-moon hôm qua (9/11) đã gửi lời chia buồn đến chính phủ và người dân Philippines, đồng thời khẳng định, các cơ quan cứu trợ Liên hiệp quốc và các đối tác đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Philippines để giúp đánh giá tình hình và trợ giúp khẩn cấp người dân.


Nạn nhân siêu bão nhận hàng cứu trợ

Chương trình Lương thực thế giới cho biết đang dự trữ hàng hóa cần thiết để giúp đỡ người dân trong vùng ảnh hưởng, đồng thời kêu gọi quốc tế chung tay giúp đỡ người dân Philippines. Hiện Chương trình đã huy động một số lượng hàng cứu trợ trị giá khoảng 2 triệu USD và dự kiến chuyển 40 tấn bánh quy tăng cường đa vi chất cho các nạn nhân siêu bão trong vài ngày tới.

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) ước tính có khoảng 1,7 triệu trẻ em đang sống trong vùng bị ảnh hưởng của cơn bão, theo ông Tomoo Hozumi đại diện của cơ quan này tại Philippines. Tổ chức này đã chuẩn bị 60 tấn hàng cứu trợ để đưa đến Philippines vào thứ 3 tuần tới bằng máy bay từ Copenhaghen.

Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ra lệnh cho quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương triển khai tàu và máy bay để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và khẩn cấp hỗ trợ thực phẩm, nước uống cho các nạn nhân bằng không vận.

Trong một thông điệp gửi Tổng thống Aquino, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso) cho biết, Ủy ban châu Âu sẽ cử một phái đoàn đến hỗ trợ Philippines.

Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi người dân trên toàn thế giới hãy cầu nguyện cho những nạn nhân trong cơn bão Haiyan.


Linh Linh(theo AP, AFP, Reuters, Guardian)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blogger TemplateHao123 Pro © 2013. All Rights Reserved. Powered by Nguyễn Hữu Học
Top