N2O – nitơ (I) oxit không màu, mùi thơm, có thể tác động vào đường truyền dẫn thần kinh tạo cảm giác hưng phấn, sảng khoái đột biến nên được gọi là “khí cười”. Vậy "khí cười" được phát hiện như thế nào , chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Năm 1798, Humphry Davy được mời tới Bristol (Anh) để làm giám đốc Viện điều dưỡng bằng chất khí. Khi đó, ông mới 20 tuổi. Tại đấy, Davy có điều kiện mở rộng nghiên cứu của mình ra nhiều loại chất khí, đặc biệt là tác dụng sinh lý của chúng. Những tính chất của các chất khí mà Davy phát hiện đều do chính ông nếm, ngửi, quan sát, mặc dù có khi do vậy mà bị ốm, nằm bẹp hàng tháng trời.
Một hôm, có một vị giáo sư tới thăm Davy, vô ý đụng phải lọ N2O – Nitơ (I) oxit, Davy vừa chế xong sau bao ngày khổ công, ông vội xin lỗi Davy:
- Xin lỗi ngài Davy vô cùng.
- Không sao, tôi sẽ chế lại ngay được thôi mà!_Davy an ủi khách.
Bỗng cả Davy và khách bật lên cười, cười rất to, rất lâu, khiến người giúp việc của Davy phải chạy tới xem có xảy ra chuyện gì không.
Sự việc xảy ra khiến Davy tập trung vào nghiên cứu Nitơ (I) oxit. Ông thử tác dụng của nó với các súc vật như chó, mèo... thấy Nitơ oxit có tác dụng kích thích thần kinh, gây tê và tạo cảm giác khoan khoái, gây cười. Thử ngay với cơ thể mình, ông cũng nghiệm chứng điều đó, và liền đặt tên cho Nitơ oxit là "Khí cười".
Một hôm, ông bị đau răng nhưng vẫn cố tới phòng thí nghiệm. Sau khi hít phải "Khí cười", ông cảm thấy ngực và chân tay rung lên, không ghìm được tiếng cười phát ra, đặc biệt là răng không còn đau nữa. Tin loang ra, rất nhiều người đau răng tới tình nguyện xin dùng thử "Khí cười" và họ đều ca ngợi tác dụng làm giảm đau răng của "Khí cười". Sau đấy, "Khí cười" còn được dùng như một thứ thuốc gây tê, giảm đau cho các bệnh nhân không chỉ đau răng mà còn giúp giảm nỗi thống khổ vì bệnh tật, vui sống để điều trị bệnh tật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét