Đây là những ngành có tỷ lệ học xong thì cất bằng vào một xó khá cao.



Cử nhân công nghệ môi trường

Công nghệ môi trường là một chuyên ngành có sự kết hợp đồng bộ cả hai yếu tố nghiên cứu và kỹ thuật. Học chuyên ngành này phải nắm vững các kiến thức chuyên môn bao gồm: công nghệ xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn thông qua các biện pháp sinh - lý - hoá học.



Nếu chuyên về công nghệ xử lý nước thải, thường có lựa chọn làm việc ở: công ty cấp nước, nhà máy xử lý nước, công trình xử lý nước thải cho các nhà máy và khu công nghiệp,... Nếu là công nghệ xử lý khí thải thì công việc thiên về: đo đạc chất lượng không khí, đánh giá tác động của môi trường và xử lý không khí ô nhiễm,... Còn nếu hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thì bạn sẽ làm việc với: các công trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhà máy hay các khu đô thị,...

Thế nhưng, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác bảo vệ môi trường còn yếu kém cũng như chưa được sự quan tâm, quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên ngành nên doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất ít. Vì thế, không ít người tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường phải chấp nhận cảnh thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề đào tạo.

Cử nhân công tác xã hội

Với định hướng chăm lo an sinh xã hội là mục tiêu hàng đầu thì Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn sử dụng nhân lực ngành này rất cao. Ngoài thành phố nhiều tỉnh thành khác cũng đang ráo riết triển khai đề án phát triển nghề công tác xã hội nên nhu cầu nhân lực trong tương lai rất khả quan.



Riêng cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở có hơn 40 đơn vị, các cơ sở ngoài công lập là hơn 60 đơn vị. Đó là chưa kể mạng lưới các cơ sở công tác xã hội của các sở ngành, địa phương, trường học, cơ sở y tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội trong nước, các cơ quan đoàn thể…

Thế nhưng, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó khăn trong việc kiếm việc làm phù hợp hoặc thu nhập thấp là điều khá phổ biến.

Cử nhân lịch sử

Lịch sử chuyên nghiên cứu, bàn luận về những vấn đề trong quá khứ, để từ những kiến thức của quá khứ có thể rút ra những quy luật, những bài học kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai.



Nhà sử học là người nghiên cứu về những vấn đề của quá khứ để từ đó hiểu biết, tạo dựng những sự kiện đã qua, rồi phân tích, đánh giá và chia sẻ những kiến thức mà mình tích luỹ được cho cộng đồng xã hội. Nghiên cứu lịch sử là một việc làm đầy khó khăn, thách thức.

Thế nhưng đối với một nước đang phát triển và chưa đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử thì việc chạy đôn chạy đáo xin việc vẫn không được là điều khá phổ biến. Đặc biệt, trong thời buổi khó khăn như hiện nay, không ít cử nhân thạc sỹ cũng buộc phải làm các công việc khác để mưu sinh.

Cử nhân vật lý

Ngành vật lý là một ngành khoa học có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật khác. Tuy nhiên, do nhu cầu và thực tế áp dụng trong cuộc sống, khiến cho ngành này dần bị thất sủng hơn các ngành khác nên dẫn đến tỷ lệ “chọi” và điểm chuẩn không cao.



Không ít người tốt nghiệp cử nhân vật lý chia sẻ: "Lương ngành này không cao đâu, nghiên cứu và giảng dạy là chủ yếu nên ai thật sự đam mê khoa học kỹ thuật, thích tìm hiểu thì mới nên theo đuổi". Quả thật khá nhiều cử nhân tốt nghiệp ngành này ra phải làm công việc tạm bợ, trái ngành, học lên cao học để giảng dạy hoặc chuyển hướng học văn bằng 2 cho dễ kiếm việc làm.

Cử nhân tâm lý học

Điểm đầu vào thấp, cộng thêm việc chưa rõ sau này ra trường sẽ làm những việc gì đã khiến nhiều sinh viên tâm lý hoang mang, tự ti khi bị đem ra so sánh với sinh viên các ngành học khác. Không ít người đã xin ngừng học, ôn thi tiếp để chuyển ngành, chuyển trường. Một số coi việc học là cách để kiếm được tấm bằng, còn phần lớn thời gian là để đầu tư cho “sở trường” của mình như: sale, marketing, viết báo,...



Đến khi tốt nghiệp ra trường, tân cử nhân rất chật vật để có được công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Vì việc tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, giải quyết các vấn đề trầm cảm, stress, rối loạn cảm xúc, hành vi,… là điều khá xa lạ với nhiều người Việt Nam. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi trong thời buổi kinh tế khó khăn này, nhiều cử nhân tâm lý học phải cất tấm bằng đại học và kiếm việc khác để mưu sinh.

Theo Đất Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blogger TemplateHao123 Pro © 2013. All Rights Reserved. Powered by Nguyễn Hữu Học
Top