Năm sáu năm về trước, khi đang mài đũng quần trên ghế trường cấp ba, có lẽ trong mơ, tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ trở thành một bác sĩ.


Khi nộp hồ sơ thi đại học, thầy giáo nhìn hồ sơ tôi nộp Bách Khoa và Y, thầy có nói là khối A thì chắc là không có vấn đề còn khối B thì chưa chắc. Tôi không hồ nghi gì lời thầy, tôi xưa nay chỉ quen học Toán Lý Hóa, không quen học Sinh.


Nộp hồ sơ thi khối B cũng là do bị mẹ ép buộc. “Thi gì thì thi, nhưng phải thi một cái khối B, phải thi vào Y.”. Với cái trách nhiệm cao cả đấy, tôi nộp luôn hồ sơ vào Y Hà Nội, với cái tâm lý, kiểu gì cũng trượt, dù sao mình vẫn thích học khối A hơn, không có ước mơ làm bác sĩ. Cái ấn tượng rõ nhất những ngày đi thi khối B với tôi chỉ là cái hình ảnh của bố lóc cóc cái xe đạp chở tôi đi qua những xe máy của người ta. Thi xong sớm, tôi ra ngoài đi len qua những xe máy của người ta để đến chỗ xe đạp của bố…
Tôi trượt thật.
Tôi không buồn lắm, còn mẹ có lẽ cũng hơi tiếc. Y mà, cao quá, với không tới.


Đang học Bách Khoa được một tháng, thi vào hệ Tài Năng nhưng do khả năng có hạn, trượt thẳng cẳng. Ngậm ngùi tự nhắc nhở, cố gắng học, sau này làm một thằng kĩ sư phần mềm máy tính cũng được, dẫu sao thì không đến nỗi chết đói, hơn nữa có thể kiếm ra tiền làm thứ này thứ kia. Nghèo mãi rồi, không muốn quãng đời sau này lại như thế.


Tình cờ thế nào, trường Y lấy thêm sinh viên, không hẳn là nguyện vọng 2 mà chỉ là lấy thêm, không rõ do thiếu sinh viên hay muốn tuyển thêm sinh viên, hơn nữa học phí cũng không tăng lên gấp ba gấp bốn như mọi lần. Bố ở quê gọi điện lên cho tôi, hỏi tôi có sang học Y hay không. Tôi bảo bố: “Để con suy nghĩ mấy ngày đã ạ!”. Và suy nghĩ. Mấy hôm, một mình trong cái phòng như cái chuồng lợn, tôi nằm suy nghĩ, có lẽ đến gày cả người. Mẹ bảo tùy mày thích học gì thì học, nhưng có lẽ trong thâm tâm, mẹ vẫn muốn con trai học Y. Và tôi sang học Y thật. Cái trường mà tôi nghĩ có lẽ quá xa trong mơ ước của mình…


Vào học muộn, tất nhiên tâm lý không được như người khác. Nên tự biết, mình phải cố gắng nhiều.


Tôi xin đi trực ở viện sớm, đi làm như kiểu điều dưỡng học tiêm truyền thay băng. Sinh viên đa khoa, đáng lẽ đến kì hai của năm thứ ba mới bắt đầu đi viện, nhưng từ đầu năm thứ hai, tôi đã đi trực ở viện. Đã quen với việc tiêm truyền thay băng hàng ngày, và cũng bắt đầu biết đến cái thứ người ta gọi là bệnh viện, có những thứ không như mình nhìn thấy, cũng không như mình nghĩ, chỉ đến khi tận mắt biết, tận mắt thấy mới biết được. Và có những thứ chỉ tồn tại trong đầu, không bao giờ nói ra. Tôi đi trực như điều dưỡng được hai năm rồi xin nghỉ. Các anh chị điều dưỡng rất quý, nhưng công việc học tập đến lúc cần phải tập trung, phải làm những thứ khác cần thiết hơn.


Làm bác sĩ, và nhất là sinh viên, nếu nói là không bao giờ sợ bệnh nhân thì có lẽ là nói dối. Hoặc chỉ là một câu nói bâng quơ, một lời nói đùa. 


Tất nhiên, không kể đến những trường hợp đầu trâu mặt ngựa, người ngợm xăm trổ đầy mình, quát trên nạt dưới, vào viện đánh đuổi cả bác sĩ, y tá. Chứ đừng nói đến là sinh viên.


Hồi Y3, mới bắt đầu đi viện, học triệu chứng, học bệnh học, còn ngại, còn sợ, không dám hỏi bệnh nhân, ba bốn đứa dắt nhau đi hỏi một bệnh nhân, đến lúc không nghĩ ra cái gì, cứng họng, hỏi không được, lại đùn đẩy cho nhau. Những thứ như thế, có lẽ là kỉ niệm đẹp, thuở bỡ ngỡ mới bắt đầu đi viện, bao nhiêu thứ buồn cười có lẽ rất khó quên được.


Càng học, càng đi viện nhiều, cảm giác với bệnh nhân có lẽ đã dạn dĩ đi hơn trước rất nhiều. Đi hỏi bệnh nhân, đi học, nghe họ kể, nghe cả những câu chuyện không phải là bệnh, mà là đời tư của họ, mới thấy dần cái con đường mình đang đi là đúng. Làm bác sĩ để làm gì? Không phải chỉ là một cái ước mơ đơn thuần. Mà nó cần đánh đổi bằng những gì mình có, bằng sự nỗ lực, bằng đam mê, sự cảm thông và bằng cả những chua xót, cay đắng mà không dễ gì nói ra được…


Ai đã từng thấy bệnh nhân bị ung thư, người ta trông như thế nào chưa?


Ai đã từng thấy bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận đến chục năm, xem người ta như thế nào?


Ai đã từng nhìn thấy, bệnh nhân nữ hai mươi ba tuổi, người ta phải cắt hai chân đến 1/3 trên đùi để cứu lấy mạng sống, xem người ta như thế nào?


Ai đã từng biết, bệnh nhân bị viêm não màng não, hầu như lúc nào cũng co giật, dùng thuốc gì cũng không cắt được cơn, cuối cùng người nhà phải xin về, xem nó như thế nào chưa?
Ai đã từng thấy nước mắt của những người đàn bà khốn khổ, khóc cho đứa con đôi mươi nặng quá mà viện trả về vì không thể cứu được?


Ai đã bao giờ từng biết, tủi hờn của một đứa con gái mới mười chin đôi mươi mà đã mất đi một bàn tay, cuộc sống không lành lặn còn rất dài?


Và ai trong đêm trực, không ngủ được, lang thang như ma trơi để ra xem bệnh nhân chỉ là để thấy mình thanh thản và thấy tin tưởng vào những thứ mình đã làm?
Sự đam mê, niềm yêu thích giúp con người ta đạt được mục đích của mình.


Nhưng có những thứ, không phải lúc nào cũng được bắt đầu bằng sự yêu thích và niềm đam mê đó, nó chỉ nảy sinh khi con người ta thực sự tiếp xúc với nó, thực sự được cầm nắm lấy nó…
Đằng sau mỗi bác sĩ sẽ là cả một cái nghĩa địa….
Năm cuối, và đang chờ đi xây cái nghĩa địa của mình…. Chỉ là nó đáng giá bao nhiêu…..
___Nguyễn Hữu Học ST___

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blogger TemplateHao123 Pro © 2013. All Rights Reserved. Powered by Nguyễn Hữu Học
Top